Sáng 21/11,ịchbảndânsốHàNộiđếnnăcholesterol cao Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thay mặt liên danh tư vấn, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, gia tăng dân số và tình trạng nhập cư khá đông vào Hà Nội tạo ra nhiều thách thức, sức ép rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật, xã hội, môi trường và chất lượng sống của người dân, nhất là tại khu vực nội đô cũ. Trong khi đó, phát triển kinh tế xã hội và diễn biến dân số là mối quan hệ hai chiều tác động đến sự phát triển bền vững của đô thị.
Để có cơ sở đầu vào trong xây dựng đề án quy hoạch, tư vấn đưa ra ba kịch bản phát triển dân số Hà Nội đến 2030 và năm 2050.
Cụ thể, kịch bản 1, dân số phát triển với nhịp độ tương tự thời gian qua (khoảng 150.000 người mỗi năm), đến năm 2030 có khoảng 9,5 triệu và năm 2050 khoảng 11,2 triệu người.
Kịch bản 2, dân số phát triển nhanh giai đoạn 2023 - 2030 và dần ổn định giai đoạn 2030 - 2050, đến năm 2030 dân số đạt khoảng 10,5 triệu và đến năm 2050 khoảng 13 triệu người.
Kịch bản 3, tư vấn dự báo dân số phát triển nhanh với các điều kiện kinh tế xã hội phát triển mang tính đột phá, thị trường lao động Thủ đô rất hấp dẫn với dân cư ngoại tỉnh, đồng thời các biện pháp điều tiết dân số kém hiệu quả. Theo kịch bản này, dân số thường trú đến năm 2030 đạt khoảng 11 triệu và đến năm 2050 khoảng 14 triệu người.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, quy mô dân số Hà Nội hiện nay vượt quá ngưỡng dự báo của quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 (Quy hoạch 1259) và phân bố dân số không như định hướng phát triển.
Thống kê năm 2020 cho thấy dân số Thủ đô là 8,24 triệu người, vượt chỉ tiêu theo quy hoạch 1259 đề ra 7,3-7,9 triệu, bình quân tăng 2,29% mỗi năm; trong đó, dân số thành thị chiếm 49,3% (quy hoạch đề ra tỷ lệ 58 - 60%), khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 50,7%.
Từ thực tế nêu trên, ông Nghiêm cho rằng, công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 phải nghiên cứu cẩn trọng và xem xét đồng bộ yếu tố tác động đến dân số để dự báo hợp lý.
Trong khi đó, nguyên Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cũng đặt vấn đề dân số khu vực đô thị trung tâm và khu vực nội đô lịch sử hiện đã cao hơn ngưỡng khống chế trong Quy hoạch 1259.
Cụ thể, quy hoạch chung được duyệt, quy mô dân số tại khu vực nội đô lịch sử gồm bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng được định hướng giảm từ 1,2 triệu (1/7/2008) xuống còn gần 920 nghìn người (năm 2020) và còn 800 nghìn người (năm 2030). Tuy nhiên, theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến ngày 1/4/2019, dân số hiện trạng tại khu vực này vẫn khoảng hơn 1 triệu người.
Ông Hoạt cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại khác sau 10 năm thực hiện quy hoạch chung Thủ đô. Đó là các đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn) và các vành đai xanh cơ bản vẫn chỉ "nằm trên giấy"; 10 năm vẫn chưa lập được danh mục các biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng từ trước năm 1954 hư hại, xuống cấp, cần đầu tư tu bổ, cải tạo; tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra...
"Người lập quy hoạch cứ lập, người làm cứ làm", nguyên Phó chủ tịch HĐND thành phố nêu quan điểm. Ông cũng cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch không được quản lý và kiểm soát tốt dẫn đến nhiều khu đô thị quy hoạch ban đầu rất đẹp và đồng bộ nhưng sau một thời gian triển khai xây dựng đã bị điều chỉnh "trở nên xấu xí, manh mún, chắp vá, điển hình như khu đô thị Linh Đàm...".
Theo kế hoạch ban đầu, đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ được HĐND TP thông qua và trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội đầu tháng 12, trước khi Thủ tướng xem xét, phê duyệt cuối năm nay. Tuy nhiên, trong thông báo chương trình kỳ họp HĐND TP diễn ra tháng tới không có nội dung liên quan đồ án quy hoạch này, do đó việc xem xét phê duyệt đồ án sẽ phải lùi sang năm 2024.
Võ Hải